Bệnh Đục thủy tinh thể

05 December 2013

Đục thuỷ tinh thể là tình trạng mờ của thuỷ tinh thể bình thường vốn trong suốt trong mắt. Thị lực bị mờ khiến người bệnh khó đọc sách, lái xe hoặc nhìn thấy biểu hiện trên nét mặt của người bạn.

 

Đục thuỷ tinh thể thường tác động tới thị lực nhìn xa và gây ra những vấn đề khi nhìn chăm chú. Bệnh thường không gây đau, nhìn đôi hoặc chảy nước mắt bất thường.

Dấu hiệu và triệu chứng

Đục thuỷ tinh thể thường diễn ra chậm và không gây đau. Ban đầu mảng đục có thể chỉ xảy ra ở 1 phần nhỏ của thuỷ tinh thể, và bạn có thể không nhận thấy sự giảm sút thị lực. Tuy nhiên, dần dần, khi phần đục to lên, nó làm thuỷ tinh thể mờ nhiều hơn. Khi ánh sáng tới được võng mạc giảm đi, thị lực của bạn sẽ bị suy giảm.

Một số triệu chứng của đục thuỷ tinh thể gồm

- Nhìn mờ, lóa hoặc nhòe

- Càng khó nhìn hơn vào ban đêm

- Nhạy cảm với ánh sáng và chói mắt

- Quầng xung quanh đèn

- Cần ánh sáng mạnh hơn để đọc và các hoạt động khác

- Thay đổi thường xuyên kính mắt hoặc kính áp tròng.

- Màu sắc bị nhạt đi hoặc có màu vàng

- Nhìn đôi hoặc nhìn thấy nhiều hình ảnh ở một mắt.

Nếu bạn bị đục thuỷ tinh thể, ánh sáng từ mặt trời, đèn hoặc đèn pha đang chiếu tới có vẻ quá sáng. Ánh chói và quầng xung quanh đèn có thể làm cho việc lái xe không thuận lợi và nguy hiểm. Bạn có thể bị mỏi mắt hoặc thấy mình chớp mắt nhiều hơn để nhìn rõ.

Đục thuỷ tinh thể thường không gây ra thay đổi về vẻ ngoài của mắt hoặc gây chảy nước mắt. Đau, đỏ, ngứa, kích ứng, nhức mắt hoặc tiết rử mắt có thể là dấu hiệu hoặc triệu chứng những bệnh mắt khác.

Đục thuỷ tinh thể thường không nguy hiểm đối với sức khoẻ của mắt trừ khi thuỷ tinh thể trở nên hoàn toàn trắng. Bệnh này có thể gây viêm, đau và đau đầu, dạng đục thuỷ tinh thể này rất hiếm gặp và bạn cần mổ nhanh chóng (cấp cứu).

Nguyên nhân

Đục thể thuỷ tinh do tuổi già

Đục thể thuỷ tinh do ch ấn th ư ơng

Đục thể thuỷ tinh do b ệnh r ối lo ạn chuy ển ho á

Đục thể thuỷ tinh do b ẩm sinh

Đục thể thuỷ tinh do dùng c orticoid không đúng chỉ định

Yếu tố nguy cơ 

Ai cũng có nguy cơ bị đục thuỷ tinh thể, đơn giản vì tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất. Và đến năm 65 tuổi thì người nào cũng bị đục thuỷ tinh thể ở một mức độ nào đó, mặc dù nó có thể không làm giảm thị lực. Đục thuỷ tinh thể hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới và hay gặp ở người da đen hơn ở người da trắng.

Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể gồm:

- Bệnh tiểu đường

- Tiền sử gia đình bị đục thuỷ tinh thể

- Tiền sử có tổn thương hoặc viêm mắt

- Tiền sử phẫu thuật mắt

- Dùng corticosteroid kéo dài

- Uống quá nhiều rượu

- Phơi nắng quá nhiều

- Tiếp xúc với tia phóng xạ mức độ cao, như trong điều trị ung thư

- Hút thuốc

Khi nào nên đi khám

Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện và theo dõi tiến triển của đục thuỷ tinh thể trong khi khám mắt thường quy. Bạn hãy đi khám mắt :

- 2-4 năm một lần từ độ tuổi 40-64.

- Một hoặc 2 năm một lần từ tuổi 65.

- Bất cứ lúc nào bạn có triệu chứng mới không giải thích được ở mắt.

Nếu bạn thấy mình đang “chiến đấu” với mắt – chớp mắt nhiều hơn bình thường để làm sạch cái mà bạn cảm thấy như một tấm phim mỏng che mắt – hoặc bạn có các triệu chứng khác của đục thuỷ tinh thể, hãy đến khám bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chẩn đoán đục thuỷ tinh thể sau khi kiểm tra mắt cẩn thận.

Điều trị

Cách điều trị hiệu quả duy nhất cho đục thuỷ tinh thể là lấy bỏ thuỷ tinh thể bị đục và thay nó bằng thuỷ tinh thể nhân tạo. Đục thuỷ tinh thể không thể chữa khỏi bằng thuốc, bổ sung ăn uống, luyện tập hoặc thiết bị quang học. Ở giai đoạn đầu của đục thuỷ tinh thể khi triệu chứng còn nhẹ, hiểu biết rõ về bệnh và sẵn sàng điều chỉnh lối sống có thể có ích. Bạn có thể thử một vài biện pháp đơn giản để đối phó với những triệu chứng này:

- Nếu bạn đeo kính mắt hoặc kính áp tròng, hãy đảm bảo dùng kính đúng theo đơn bác sĩ.

- Dùng kính phóng đại để đọc.

- Cải thiện chiếu sáng trong nhà với nhiều đèn hơn hoặc đèn sáng hơn, thí dụ, có thể lắp đèn halogen hoặc bóng đèn tròn sáng từ 100-150W. Khi bạn ra ngoài vào ban ngày, nên đeo kính râm để làm giảm chói mắt.

- Hạn chế lái xe vào ban đêm.

Những biện pháp này có thể giúp ích một thời gian, nhưng khi đục thuỷ tinh thể tiến triển, thị lực của bạn có thể giảm hơn nữa. Khi tình trạng giảm thị lực bắt đầu cản trở hoạt động hàng ngày, bạn sẽ muốn cân nhắc phẫu thuật đục thuỷ tinh thể.

 

Mổ đục thuỷ tinh thể vào lúc nào là phù hợp?

Quyết định phẫu thuật đục thuỷ tinh thể sẽ được bạn và bác sĩ chuyên khoa mắt cùng đưa ra. Bạn sẽ có nhiều thời gian để xem xét và thảo luận cẩn thận các biện pháp. Trong hầu hết các trường hợp việc đợi cho tới khi bạn sẵn sàng để phẫu thuật sẽ không làm hại cho mắt. Bạn có thể không cần phẫu thuật đục thuỷ tinh thể trong nhiều năm, nếu không muốn nói là không bao giờ cần. Tuy nhiên, ở người trẻ hoặc người bị tiểu đường, đục thuỷ tinh thể có thể diễn biến nhanh hơn.

Quyết định của bạn cần dựa vào mức độ giảm thị lực và nhu cầu thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn chung, phẫu thuật được khuyến nghị nếu kết quả kiểm tra thị lực là 3/10 hoặc thấp hơn, ngay cả khi có kính. Nhưng con số này không phải là cứng nhắc. Bạn hãy suy nghĩ về ảnh hưởng của đục thuỷ tinh thể đến cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể nhìn rõ làm việc và lái xe an toàn hay không ? Bạn có thể đọc hoặc xem ti vi thuận lợi không? Bạn có gặp khó khăn trong việc nấu ăn, mua sắm, làm việc nhà, leo cầu thang hay uống thuốc không? Mức độ vận động của bạn? Thị lực kém có ảnh hưởng tới mức độ độc lập của bạn hay không ? Bạn có sợ bị vấp ngã hoặc va đụng vào thứ gì đó không?

Câu trả lời cho những câu hỏi này là khác nhau ở mỗi người. Một người già không vận động nhiều lắm có thể ít cần thị lực tinh tường hơn một người trẻ cần lái xe và kiếm sống. Một số người chỉ bị giảm thị lực nhẹ do đục thuỷ tinh thể có thể muốn phẫu thuật vì những vấn đề do chói mắt hoặc nhìn đôi. Đôi khi đục thuỷ tinh thể được loại bỏ ngay cả khi nó chưa gây ra những vấn đề nghiêm trọng về thị lực, thí dụ, nếu nó cản trở việc điều trị một bệnh mắt khác, như thoái hoá hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc tiểu đường hoặc bong võng mạc.

Nếu bạn bị đục thuỷ tinh thể ở cả hai mắt và quyết định phẫu thuật, bác sĩ thường lấy bỏ đục thuỷ tinh thể ở từng mắt một. Điều này cho phép có thời gian thời gian để một mắt liền vết thương trước khi mắt thứ hai được mổ.

Điều gì xảy ra trong khi phẫu thuật đục thuỷ tinh thể?

Những tiến bộ quan trọng trong kỹ thuật mổ và công nghệ tinh vi hơn đã giúp biến phẫu thuật thành cách điều trị an toàn và hiệu quả đối với đục thuỷ tinh thể. Hai việc sẽ được làm trong phẫu thuật đục thuỷ tinh thể – lấy bỏ thuỷ tinh thể đục, và thay thế bằng thuỷ tinh thể nhân tạo.

Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ đo kích thước và hình dạng mắt bạn để quyết định công suất của thuỷ tinh thể nhân tạo phù hợp. Thông số này được lấy bằng một xét nghiệm siêu âm không đau. Phẫu thuật đục thuỷ tinh thể thường được tiến hành ngoại trú và diễn ra trong khoảng thời gian chưa đến 1 giờ. Hầu hết bệnh nhân đều tỉnh táo, thư giãn và thoải mái trong phẫu thuật, chỉ cần gây tê tại chỗ. Trong một số ít trường hợp một số bệnh nhân có thể cần gây mê.

Những phương pháp phẫu thuật được dùng để lấy bỏ thuỷ tinh thể đục gồm:

- Nhũ hóa phaco (mổ phaco): Đây là thủ thuật hay được dùng nhất để lấy bỏ đục thuỷ tinh thể. Bác sĩ cắt bỏ thuỷ tinh thể đục trong khi để lại hầu hết vỏ ngoài (bao thuỷ tinh thể) ở nguyên vị trí. Bao giúp nâng đỡ thuỷ tinh  thể nhân tạo khi đặt vào.

Trong mổ phaco, bác sĩ rạch 1 đường nhỏ khoảng 3 milimet ở nơi giác mạc gặp kết mạc và đưa vào một đầu dò mảnh như cái kim. Sau đó bác sĩ dùng đầu dò rung bằng sóng siêu âm để phá vỡ thuỷ tinh thể (nhũ hóa) và hút ra. Bao thuỷ tinh thể được giữ nguyên chỗ để giúp nâng đỡ thuỷ tinh thể nhân tạo.

- M thuỷ tinh thể đục ngoài bao: Nếu đục thuỷ tinh thể đã vượt qua giai đoạn mà mổ phaco có thể phá vỡ thuỷ tinh thể đục, bác sĩ có thể mổ thuỷ tinh thể đục ngoài bao. Thủ thuật này đòi hỏi một đường rạch rộng hơn, khoảng 9 milimet, ở nơi giác mạc và kết mạc gặp nhau. Qua đường rạch này bác sĩ mở bao thuỷ tinh thể, lấy bỏ nhân và hút phần vỏ thuỷ tinh thể mềm hơn ra ngoài, giữ nguyên vỏ bao tại chỗ.

Khi thuỷ tinh thể đục đã được lấy bỏ bằng phẫu thuật phaco hoặc phương pháp ngoài bao, thuỷ tinh thể nhân tạo được đặt vào bao thuỷ tinh thể rỗng để thay thế thuỷ tinh thể bị đục ban đầu. Thuỷ tinh thể nhân tạo, còn gọi là thấu kính nội nhãn (IOL), được làm bằng chất dẻo, acrylic hoặc silicon. Nó không cần chăm sóc và trở thành một phần vĩnh viễn của mắt bạn. Dù bạn có phải đeo kính trước phẫu thuật hay không, sau phẫu thuật bạn sẽ cần kính để đọc sách.

Một số thủy tinh thể nhân tạo làm bằng nhựa cứng và được đặt qua vết rạch cần nhiều mũi khâu để đóng lại. Tuy nhiên, nhiều thuỷ tinh thể nhân tạo khá mềm dẻo, cho phép đường rạch nhỏ hơn không cần khâu. Bác sĩ phẫu thuật có thể gấp loại thuỷ tinh thể nhân tạo này lại và đưa nó vào bao nang rỗng nơi đã từng có thuỷ tinh thể tự nhiên. Khi đã vào đúng vị trí thuỷ tinh thể sẽ mở ra tới khoảng 6 milimet.

 

Sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể

Với phẫu thuật phaco và thuỷ tinh thể nhân tạo gấp được, vết mổ sẽ rất nhỏ và không cần khâu. Nếu tất cả diễn biến tốt thì bạn sẽ liền vết mổ nhanh chóng, và thị lực bắt đầu cải thiện sau một vài ngày. Nếu phẫu thuật cần đường rạch lớn hơn và phải khâu, thời gian liền vết mổ hoàn toàn có thể mất khoảng 4 tuần.

Bình thường bạn có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật, nhưng bạn không thể lái xe, vì vậy hãy thu xếp để có người đưa bạn về nhà. Thường thì bạn sẽ đến khám bác sĩ vào ngày hôm sau và trong 4-6 tuần tiếp theo để bác sĩ kiểm tra quá trình liền vết mổ. Cảm thấy hơi khó chịu một vài ngày sau phẫu thuật là bình thường. Tránh dụi hoặc ấn lên mắt. Lau mi mắt bằng khăn giấy hoặc bông lại để làm sạch rử mắt. Bạn có thể mang băng bịt mắt hoặc tấm che mắt vào ngày phẫu thuật. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc đề phòng nhiễm trùng và kiểm soát nhãn áp. Sau một vài ngày, mọi khó chịu sẽ biến mất.

Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu hay triệu chứng dưới đây sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể:

- Giảm thị lực

- Đau dai dẳng mặc dù đã sử dụng thuốc giảm đau

- Đỏ mắt tăng lên đáng kể

- Chớp sáng hoặc nhiều đốm sáng phía trước mắt

- Buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều

Hầu hết mọi người cần đeo kính sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. Loạn thị rất hay gặp nhưng ít gây ra vấn đề khi đường mổ nhỏ. Thường bạn sẽ có đơn kính cuối cùng sau mổ 3 – 6 tuần.

Biến chứng sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể là tương đối hiếm và thường được điều trị. Biến chứng gồm viêm, nhiễm, chảy máu, sưng, bong võng mạc và glôcôm. Nguy cơ là lớn hơn đối với những người bị các bệnh về mắt khác hoặc những rối loạn y học nghiêm trọng. Đôi khi phẫu thuật đục thuỷ tinh thể không cải thiện thị lực vì những bệnh như glôcôm hoặc thoái hoá hoàng điểm. Đó là điều quan trọng để đánh giá và điều trị những rối loạn khác của mắt, nếu có thể, trước khi tiến hành phẫu thuật đục thuỷ tinh thể.

Đục thuỷ tinh thể thứ phát

Có thể bạn đã nghe nói về đục thuỷ tinh thể thứ phát. Bệnh này xảy ra khi bao sau của thuỷ tinh thể – phần của thuỷ tinh thể không được cắt bỏ trong khi phẫu thuật và hiện nâng đỡ cho thuỷ tinh thể nhân tạo – cuối cùng bị đục và khiến bạn nhìn mờ hơn. Một thuật ngữ khác để chỉ chứng bệnh này là đục bao sau (PCO). PCO có thể diễn ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. Nó xảy ra ở khoảng 15%-20% số trường hợp. Đục dần dần là kết quả của sự tăng sinh tế bào ở bao sau.

Điều trị PCO khá đơn giản và nhanh chóng. Người ta sử dụng một kĩ thuật gọi là mở bao thuỷ tinh thể laser YAG (yttri – nhôm – garnet), trong đó tia laser được dùng để tạo ra một vết mở nhỏ ở bao thủy tinh thể bị đục, giúp cho ánh sáng đi qua.

Mở bao thuỷ tinh thể bằng laser là 1 thủ thuật ngoại trú không đau thường chỉ mất chưa đầy 5 phút. Sau thủ thuật bạn nằm lại phòng khám khoảng 1 giờ để đảm bảo là nhãn áp không tăng. Ở mọt số người, nhất là những người bị tăng nhãn áp hoặc cận thị nặng, phẫu thuật laser YAG có thể làm tăng nhãn áp. Những biến chứng khác hiếm gặp nhưng có thể gồm phù hoàng điểm và bong võng mạc.

Phòng ngừa

Hầu hết các trường hợp đục thuỷ tinh thể xảy ra do tuổi già và không thể tránh khỏi. Khám mắt thường xuyên vẫn là chìa khoá để phát hiện sớm. Bạn có thể thực hiện những bước dưới đây để làm chậm hoặc ngăn ngừa đục thuỷ tinh thể :

- Không hút thuốc: Hút thuốc tạo ra các gốc tự do, làm tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể

- Có chế độ ăn cân đối nhiều rau và hoa quả.

- Hạn chế uống rượu: Uống rượu quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị đục thuỷ tinh thể.

- Tự bảo vệ khỏi ánh nắng: Ánh sáng cực tím có thể góp phần gây đục thuỷ tinh thể. Nên đeo kính râm khi ở ngoài trời nắng.

- Tuân thủ kế hoạch điều trị nếu bạn bị tiểu đường hoặc các bệnh khác: Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm kiếm các biện pháp mới để phòng ngừa và điều trị đục thuỷ tinh thể. Nếu bạn bị đục thuỷ tinh thể, cơ hội để phục hồi hoàn toàn thị lực bằng phẫu thuật đục thuỷ tinh thể là rất tốt nếu bạn không mắc các bệnh khác về mắt.

Last modified on Friday, 29 December 2017 16:10
Default Theme
Layout
Body
Background Colorddd
Text color
Top
Background Color
Text color
Bottom
Bottom Background Image
Background Color
Text color